Khi có thai, phụ nữ thường xuyên trải qua khó chịu. Bởi họ phải chấp nhận những áp lực cả về tinh thần và thể chất khi cơ thể thay đổi lớn.
Ở giai đoạn đầu, mẹ bầu thường gặp tình trạng ốm nghén gây ra mệt mỏi, chán ăn và sức khỏe đi xuống. Đến giai đoạn tiếp theo, thai nhi được ổn định hơn. Các mẹ bầu không còn gặp tình trạng ốm nghén nữa mà thay vào đó là cảm giác nặng nề khi thai nhi dần lớn lên. Trong những tháng cuối thai kì, cùng sự phát triển của thai nhi, cơ thể mẹ bầu cũng xuất hiện những triệu chứng đi kèm như đau người, đau lưng, eo do khi nằm cơ thể không cảm thấy thoải mái, đau cổ, và đặc biệt là hiện tượng chuột rút và tê chân
Các chuyên gia cho biết phương pháp massage có thể hạn chế sự sản sinh hormone căng thẳng trong cơ thể và giúp các cơ bắp được thư giãn. Nó cũng có thể kích thích tuần hoàn máu, điều này rất cần thiết khi bạn mang thai và giúp cho hệ bạch huyết đạt hiệu suất hoạt động cao nhất, loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
Massage cũng giúp kết nối cơ thể và tâm trí, từ đó mang lại hiệu quả thư giãn tối đa cho bạn.
Trong quá trình mang thai, massage đều đặn trước khi sinh bên cạnh giúp bạn thư giãn còn có thể đẩy lui tình trạng mất ngủ, đau khớp, đau cổ và lưng, chuột rút cũng như đau thần kinh tọa. Bên cạnh đó, massage còn có thể giảm thiểu tình trạng sưng phù ở bàn tay và bàn chân (nếu đây không phải là sưng do tiền sản giật), tình trạng đau ống cổ tay, đau đầu hoặc tắc nghẽn xoang. Đây đều là những triệu chứng phổ biến khi mang thai. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, massage cũng có thể đẩy lui chứng trầm cảm mà không cần đến thuốc.
- Massage đầu cho bà bầu:
Massage đầu sẽ giúp xua tan căng thẳng, mệt mỏi đối với bà bầu và đem lại cảm giác thư thái nhất, tạo sự dễ chịu lan tỏa khắp cơ thể.
Trong quá trình massage đầu, bà bầu nằm ngửa, kê gối ở chân và lưng sao để vào tư thế nằm thoải mái nhất có thể. Sử dụng đầu ngón tay vuốt nhẹ để tóc không bị rối, rẽ tóc để tìm ra đường chân tóc và massage chậm rãi theo chiều từ trên xuống để mang đến sự thoải mái nhất. Khi đó, mẹ bầu thả lỏng toàn thân, giải phóng mọi lo âu, điều chỉnh hơi thở chậm và sâu hơn để đi vào giấc ngủ ngắn dễ dàng.
- Massage bắp chân:
Bắp chân là nơi chịu nhiều áp lực tích tụ từ cơ thể xuống khi trọng lượng mẹ gia tăng, máu lưu thông bị chậm hơn do sự chèn ép của thai nhi lên các bộ phận bên trong. Do đó, massage bắp chân giúp đẩy lui tình trạng căng cứng cơ và giúp cơ thể mẹ nhanh nhẹn hơn, giảm nhẹ triệu chứng phù nề.
Cho một ít dầu massage vào lòng bàn tay, làm nóng bằng cách chà xát liên tục 2 bàn tay vào nhau rồi vuốt dọc từ gối cho tới bàn chân, 4 ngón tay (trừ ngón cái) thực hiện miết và ôm lấy bắp chân. Tránh massage vào khu vực xương cẳng chân để hạn chế cảm giác đau cho mẹ bầu nhé.
- Massage bàn chân:
Hai bàn chân là bộ phận trọng yếu của cơ thể. Đặc biệt, gan bàn chân còn được biết đến là trái tim thứ 2 của chúng ta vìở đây tập trung vô số các huyệt đạo. Nếu xoa bóp sẽ giúp máu lưu thông nhanh hơn trong cơ thể và giúp bà bầu đi lại dễ dàng hơn. Nó cũng đẩy lui tình trạng co cơ và chuột rút, đặc biệt là trong những tháng cuối. Các bà bầu thường gặp tình trạng phù chân và chuột rút thì càng có cảm giác nặng nề và khó khăn khi di chuyển.
Nếu có thể, hãy để mẹ bầu ngâm chân trong nước ấm có pha lẫn muối hột, gừng, ngãi cứu, chanh để khởi động các huyệt đạo trước.